Dù không muốn nhưng trong cuộc sống, những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với mọi người, kể cả con trẻ.
Không phải lúc nào cũng “thoát nạn”. Dạy trẻ ứng phó với các tình huống nguy hiểm không đơn giản bởi các tình huống nguy hiểm thường đến một cách bất ngờ, khó lường trước hậu quả.
Chị bạn thân gọi điện cho tôi với tâm trạng vừa có phần lo lắng, vừa có phần mừng vui vì đã “tai qua nạn khỏi”.
Vào một buổi chiều tan trường mới đây, trên đoạn đường vắng mà cậu con trai đang học lớp 8 của chị vẫn thường đi học về, bé bị hai kẻ lạ mặt tấn công cướp chiếc xe đạp thể thao.
Hai tên cướp dùng côn nhị khúc đánh thẳng vào tay bé nhưng may thay bé né được, té xuống đường. Bị tấn công bất ngờ, bé hoảng loạn không biết xử trí thế nào, cũng không kêu lên được “cướp cướp”.
Rất may, khi một trong hai tên định vác chiếc xe đạp đó lên xe máy của đồng bọn chở đi thì có mấy người lớn xuất hiện nên ý định của chúng không thành.
Dù may mắn thoát nạn nhưng từ đó về sau vợ chồng bạn tôi phải đảm nhiệm việc đưa đón con đi học, không để con tự đi học bằng xe đạp như trước đây. Thỉnh thoảng anh chị mới cho con tự đi với điều kiện có bạn đi cùng.
Gần đây trên mạng Internet xuất hiện đoạn video clip có cảnh một trong hai tên cướp lăm lăm con dao bầu sáng loáng, sắc lẹm với tư thế sẵn sàng ra tay khi tấn công hai cô gái độ tuổi học trò. Đáng nói là hai tên cướp “lượn” xe qua chỗ hai cô gái đang đứng để “trinh sát” trước, sau đó mới quay xe lại để ra tay.
Khi gặp tình huống bất ngờ trên, hai cô gái không có (hoặc không dám) phản ứng gì, co rúm lại vì sợ sệt, trong khi tên cướp một tay vung dao sẵn sàng hành động nếu hai cô gái phản kháng, tay còn lại ngang nhiên lấy hết điện thoại, móc hết túi nọ sang túi kia để lấy tiền bạc trước khi lên xe của đồng bọn chờ sẵn tẩu thoát.
Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy mức độ nguy hiểm khi con trẻ trở thành những “con mồi” béo bở cho cánh “đại bàng” trong chính nhà trường nơi trẻ đang học, cũng có thể là đối tượng mà bọn bất lương bên ngoài chú ý.
Nhận biết nguy cơ để được an toàn
Muốn thoát khỏi bàn tay của những kẻ bất lương và được an toàn tính mạng thì cả phụ huynh lẫn con em mình cần chuẩn bị tốt tâm lý trước các tình huống nguy hiểm.
Đầu tiên, cha mẹ nên giúp con nhận biết đâu là tình huống nguy hiểm bằng cách cho con đọc những đoạn tin trên báo, xem những đoạn video hoặc kể cho con nghe một câu chuyện về vấn đề này.
Thật sai lầm khi một số người cho rằng không nên cho trẻ đọc, xem những tình huống nguy hiểm bởi đó là bạo lực và nếu xem nhiều dẫn đến việc trẻ sẽ “lờn”, “lì”... hơn và trẻ sẽ có hành động không tốt sau này. Trong khi đó giúp con nhận biết được nguy hiểm, trẻ sẽ có cách đối phó khi không có cha mẹ bên cạnh.
Có nhiều cách để thoát hiểm nhưng đối với trẻ việc “bỏ của chạy lấy người” là một cách xử trí không tệ. Sẽ có người nghĩ “bỏ của chạy lấy người” là cách hèn nhát, vô tình làm cho bọn tội phạm được đà làm tới.
Quan điểm này dù đúng nhưng chỉ nhìn nhận được một khía cạnh nào đó bởi cũng giống như các thủy thủ tàu viễn dương, khi bị cướp biển tấn công thì các chuyên gia hàng hải đã đưa ra cách giải quyết tốt nhất là nên làm theo yêu cầu của chúng, bởi bất kỳ một sự phản kháng nào dù nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn.
Sau đó nếu gặp điều kiện thuận lợi mới tìm cách “bắn tín hiệu” cho các lực lượng chức năng biết để họ tìm cách ứng cứu.
Đối với trẻ cũng vậy, nếu trẻ gặp tình huống nguy hiểm nơi vắng vẻ, tốt nhất vẫn “bỏ của” để an toàn cho mình nhưng cố gắng ghi nhớ các đặc điểm để cơ quan công an sớm nhận ra chân dung kẻ xấu.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần kiểm soát việc chi tiêu của con. Nhiều phụ huynh đã không ngờ khi biết rằng con mình phải cống nạp cho “đại bàng” ở ngay trong trường mà không dám nói với thầy cô, cha mẹ.
Vì vậy cha mẹ nếu mua sách vở, thức ăn sáng cho con cũng nên theo dõi việc chi tiêu trong ngày của con.
Đặc biệt không nên trang bị cho con những loại trang sức, thiết bị đắt tiền... bởi sẽ vô tình tạo ra sự chú ý cho những kẻ bất lương, gây nguy hiểm cho con trẻ.
Nguồn : THS NGUYỄN QUẾ DIỆU